Ông Nguyễn Văn Phan – Giám đốc Công ty Sơn Hoa Việt:
CÓ DẤN THÂN MỚI CÓ TRƯỞNG THÀNH
Từ một hãng sản xuất sơn PU công nghệ cũ, hành trình lột xác trở thành thương hiệu chuyên sản xuất các hệ sơn an toàn trên bề mặt gỗ nhân tạo MDF, gỗ cán melamine, gỗ tự nhiên, trên kim loại, gạch men, kính… của Sơn Hoa Việt gắn liền với sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Hành trình ấy, theo người sáng lập Nguyễn Văn Phan, đòi hỏi chấp nhận sự thất bại và thay đổi tư duy để kịp thời thích ứng.
* Với những doanh nhân gạo cội ngành nội thất Việt Nam, cái tên Nghiệp Phát vẫn còn khá ấn tượng. Ông có thể chia sẻ về thương hiệu này?
– Năm 1995, lần đầu khởi nghiệp, Nghiệp Phát là cái tên tôi chọn cho doanh nghiệp (DN) của mình.
Ngày đó, sản xuất sơn PU theo công nghệ cũ nhưng khách hàng đón nhận nhiệt tình vì không có lựa chọn nào khác. Năm 2008, chúng tôi phát triển thêm mảng sản xuất nhựa và keo dán. Kinh doanh thuận lợi nhưng thị trường lại có những biến động, bản thân tôi không đủ vững vàng nên bị phá sản vài lần. Mãi đến 2015, chúng tôi mới vực dậy được nên quyết định xây
dựng thương hiệu mới. Nhờ đã có sẵn nền tảng nên khi Sơn Hoa Việt chính thức trình làng, sản phẩm của chúng tôi dễ dàng thâm nhập thị trường.
* Nếu so sánh các hệ Sơn Hoa Việt với Nghiệp Phát thì đó là một câu chuyện của việc “đập đi xây lại” toàn bộ?
– Cái gì không phù hợp thì cần phải mạnh dạn bỏ đi. Sơn PU có quá nhiều nhược điểm, gây hại cho người dùng, người sản xuất, nguy cơ cháy nổ cao…
Sự tiến bộ về mặt kỹ thuật tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển. Chỉ có dấn thân mới có trưởng thành. Nếu chúng ta không kịp thời đón nhận cái mới thì sớm hay muộn, chính chúng ta sẽ bị phủ định bởi cái cũ. Xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ thị trường xuất khẩu mà cả nội địa đều lựa chọn các sản phẩm xanh, an toàn… May mà chúng tôi mạnh dạn thay đổi, đi trước, đón đầu nên Sơn Hoa Việt có được sự đón nhận của thị trường.
* Ông bắt đầu thay đổi cho DN của mình bằng cách nào?
– Xuất phát điểm của tôi không phải là kinh doanh mà là khoa học. Nghiên cứu và thử nghiệm là điều tôi “nghiện” nhất, dành thời gian nhiều nhất. Nhờ có nền tảng nghiên cứu nên khi thế giới phát triển những công nghệ mới, tôi nắm bắt được khá nhanh. Trong lĩnh vực sơn, những thay đổi kỹ thuật chỉ cần rất nhỏ về nhóm nhựa thôi cũng đã mang đến những kết quả hoàn
toàn khác biệt.
“TÌM ĐƯỢC GIẢI PHÁP CHO KHÁCH HÀNG, TÔI KHÔNG CHỈ CÓ KHÁCH HÀNG MÀ CÒN CÓ NIỀM VUI CỦA MỘT NGƯỜI NGHIÊN CỨU. ĐIỀU NÀY LÀM CHO TÔI THẤY CÔNG VIỆC KINH DOANH CỰC KÌ THÚ VỊ”
Khi đã có được công thức, chúng tôi nhập nguồn nguyên vật liệu nhựa, phụ gia… đúng quy chuẩn từ
các nước tiên tiến của châu Âu, sau đó cho ra đời các hệ sơn phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, nhu
cầu và công năng sử dụng. Các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của sản phẩm như khả năng chịu muối của màng sơn, chống ố vàng, hàm lượng kim loại nặng… của Sơn Hoa Việt đều được kiểm định, đo lường theo tiêu chuẩn tại các trung tâm quốc tế. Đến bây giờ cũng vậy, tôi tập trung nhiều vào nghiên cứu và làm công tác quản trị hơn là kinh doanh. Việc nào mình chưa giỏi, thì cũng nên mạnh dạn giao cho người có chuyên môn hơn, tôi nghĩ vậy.
*Việc thuyết phục khách, hệ thống phân phối thì sao, thưa ông?
– Sẽ không quá lời khi nói rằng, ngày đó, sản phẩm của Sơn Hoa Việt gần như xóa đi lối mòn trong lĩnh vực sơn tại Việt Nam. Chúng tôi đã mở ra một cuộc đổi mới thay thế các hệ sơn cũ truyền thống bằng hệ sơn mới mang tính đột phá. Sau này, các loại sơn gốc nước từ nước ngoài mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Nếu so sánh về giá, riêng cho ngành gỗ chẳng hạn, các hệ sơn an toàn trên các bề mặt gỗ nhân tạo MDF, gỗ cán melamine, gỗ tự nhiên… của Sơn Hoa Việt ban đầu nhìn vào sẽ đắt hơn so với các giải pháp khác. Tuy nhiên, khi nhìn toàn quá trình, con số ấy lại thay đổi. Công nghệ của chúng tôi giúp DN giảm lớp lót, giảm lớp bề mặt, giảm thiểu lượng sơn thải ra môi trường. Nhờ vậy, giảm thời gian thi công, giảm nhân công, giảm nguyên liệu. Nếu tính tổng thì bài toán này cạnh tranh hơn nhiều. Chưa kể, còn tạo điều kiện cho DN có thể đẩy mạnh sản xuất hơn nhờ tiết kiệm được thời gian và nhân lực – hai yếu tố cực kỳ quan
trọng trong sản xuất.
* Các DN trong ngành nội thất đón nhận Sơn Hoa Việt thế nào?
– Chúng tôi tự hào là nhà cung ứng giải pháp bề mặt cho những thương hiệu nội thất lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Không chỉ bán sản phẩm, Sơn Hoa Việt thuyết phục được khách hàng vì chúng tôi đồng hành với họ. So với những thương hiệu khác, chúng tôi có cách làm hơi ngược. Thay vì đến tận nơi chuyển giao công nghệ thì Hoa Việt nhận tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ nhân lực của khách hàng tại xưởng của chúng tôi.
Ngoài nghiên cứu, tôi có tham gia giảng dạy tại các trường đại học nên xưởng trang bị đầy đủ các thiết bị kiểm thử, đo đạc, phòng thí nghiệm… cho các sinh viên mục sở thị. Khi nhân lực từ khách hàng đến trực tiếp học tập tại đây, không làm ảnh hưởng, gián đoạn công tác sản xuất của DN. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ thuật được tận mắt khám phá, học hỏi bao quát toàn bộ quy trình sơn rồi thực hành tại chỗ. Khi hiểu sâu, việc ứng dụng vào thực tế sản xuất sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Không chỉ có các giải pháp dành cho gỗ, Hoa Việt còn có sơn trên vật liệu khó bám như kim loại, gạch men, kính, sơn trên chậu đất nung, xi măng, đá tự nhiên… Trong xu hướng kết hợp vật liệu đa dạng trong ngành nội thất như hiện nay, giải pháp tổng hòa của Hoa Việt tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN ngành gỗ. Thực tế, phần lớn DN nội thất Việt Nam làm gia công theo đơn đặt hàng. Có những lúc, họ “bí” với các yêu cầu mới từ phía khách đặt hàng. Họ tìm đến tôi để đưa ra “đề bài”. Tìm được giải pháp cho họ, tôi không chỉ có khách hàng mà còn
có niềm vui của một người nghiên cứu.
Điều này làm cho tôi thấy công việc kinh doanh cực kì thú vị.
*Nhưng, việc chia sẻ hết bí quyết kinh doanh như vậy có bao hàm rủi ro? Như bị sao chép công thức chẳng hạn?
– Cái nào là lõi cây, cái ấy ắt đứng vững. Làm chủ công nghệ và sáng tạo nên tôi không lo bị sao chép mà trái lại còn mong muốn có thể cùng phát triển nên rất cởi mở trong việc chia sẻ kỹ thuật. Khách hàng càng nắm được kỹ thuật thì việc sử dụng nguyên liệu sơn của chúng tôi càng hiệu quả.
Với góc nhìn của một người nghiên cứu, tôi quan niệm, mình chỉ là người mở đường cho thế hệ sau. Cho nên, các hệ sơn, các sáng tạo của tôi đã được đăng ký bảo hộ cũng như chuẩn hóa công thức, số hóa mọi tài liệu để những người đi sau có thể tiếp quản hay từ đó sáng tạo thêm những giải pháp sơn mới.
Ngành nội thất Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu, mang GDP về cho quốc gia nên mọi thành phần, nguyên liệu lẫn cấu kiện đều phải được chuẩn hóa theo các bộ quy định quốc tế. Không đáp ứng được đòi hỏi này, chúng ta khó mà theo kịp tốc độ phát triển và đòi hỏi của thị trường.
* Là DN cung ứng các giải pháp bề mặt, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường này?
– Sơn là ngành công nghiệp mũi nhọn của thế giới vì đây là nền tảng của tất cả các ngành công nghiệp khác. Chỉ tính riêng ngành nội thất, Việt Nam đã sử dụng hơn 1 tỷ USD cho chi phí sơn bề mặt. Với ngành xây dựng và dân dụng, con số này còn nhiều hơn nữa. Nhu cầu thị trường lớn, không có quá nhiều DN đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường, an toàn… nên mức độ cạnh tranh không cao. Tôi nghĩ, ngành sơn Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.
* Kế hoạch phát triển Sơn Hoa Việt trong tương lai vì vậy mà sẽ nhiều mục tiêu?
– Như đã nói, cốt lõi của tôi vẫn là làm nghiên cứu, phát triển ứng dụng. Việc kinh doanh có được như hiện nay cũng nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi nghĩ, không cần đặt ra quá nhiều mục tiêu. Chỉ cần làm tốt ở hiện tại thì tương lai sẽ là phần thưởng xứng đáng.